HƯỚNG ĐI NÀO CHO M&A NGÀNH NHỰA?

Đây là cơ hội tốt nhưng cũng là thách thức cho các công ty nhựa trong nước, nhất là các công ty nhỏ và vừa.
Trong thời điểm hiện nay, các công ty sản xuất, kinh doanh ngành nhựa trong nước đều nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, công nghệ từ nước ngoài. Phần lớn doanh thu đến từ thị trường nội địa, xuất khẩu không nhiều (hiện tại chỉ mới có nhựa Bình Minh và nhựa Đại Đồng Tiến đã tiến hành kinh doanh, đầu tư ở nước ngoài).

Lợi nhuận hiện tại ở thị trường trong nước rõ ràng không đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Ở thời điểm kinh doanh khó khăn, không ít các công ty kỳ vọng vào M&A để có thêm cơ hội sống sót, hoặc phát triển lớn mạnh.

Mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng sức cạnh tranh, tăng thị phần, tăng vốn để trang bị công nghệ mới, tăng độ phủ kênh phân phối trong nước là những mục tiêu mà mọi doanh nghiệp ngành nhựa đều hướng tới. Lợi nhuận và sự nhận biết thương hiệu theo đó sẽ tăng. Quan trọng nhất là bớt đi được đối thủ cạnh tranh và tăng cường sức mạnh để cạnh tranh với các đối thủ còn lại.

Xu hướng M&A ngành nhựa có thể đi theo những hình thức như sau:

– Sáp nhập chiều ngang: Hai công ty có cùng dòng sản phẩm, cùng kênh phân phối, cùng cạnh tranh trong một thị trường. Ví dụ: Về nhựa gia dụng thì có Công ty nhựa Hiệp Thành, Duy Tân, Song Long. Về nhựa công nghiệp thì có Bình Minh, Đạt Hòa, Tiền Phong.

– Sáp nhập mở rộng thị trường: Hai công ty có cùng dòng sản phẩm giống nhau, nhưng khác thị trường. Ví dụ: Công ty nhựa Sài Gòn và Long Thành.

– Sáp nhập mở rộng sản phẩm: Hai công ty bán khác dòng sản phẩm, nhưng cùng chung thị trường. Ví dụ: Nhựa Bình Minh và Đại Đồng Tiến.

– Sáp nhập hình thức tập đoàn: Hai, ba công ty sản xuất có cùng lĩnh vực kinh doanh, nhưng mong muốn đa dạng hóa chủng loại ngành nghề. Ví dụ: Nhựa Bình Minh (sản phẩm công nghiệp), Hiệp Thành (sản phẩm nhựa gia dụng), Đại Đồng Tiến (sản phẩm nhựa cao cấp).

Nếu nhiều công ty nhựa vừa và nhỏ có thể sáp nhập lại thì quy mô sẽ rất lớn với tổng số vốn có thể lên đến vài ngàn tỷ đồng, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn lớn của nước ngoài trong tương lai. Tuy nhiên, điều này rất khó trở thành hiện thực hiện vì một số lý do:

– Doanh nghiệp lo ngại đánh mất hình ảnh thương hiệu đã bao năm gầy dựng;
– Văn hóa doanh nghiệp của mỗi công ty quá khác biệt;
– Mô hình quản trị kiểu gia đình vẫn chiếm ưu thế. Hiện nay, có một số công ty ngành nhựa đã chuyển giao quyền lực cho thế hệ F2, có kiến thức và năng lực quản trị tốt, nhưng để có một CEO mang tầm vóc quốc tế thì không dễ tìm.

Gần đây, Tập đoàn Thai Plastic & Chemicals (mã PCL) đã thâu tóm cổ phiếu của nhựa Tiền Phong (TPG) và nhựa Bình Minh (BMP). Phân khúc nhựa gia dụng cũng không nằm ngoài sự chú ý của tập đoàn này, vấn đề chỉ còn là thời gian.

Nguồn: baobicongnghiep-ht.com

Chia sẻ:
Pages:
Edit